7/5/12

Sức Mạnh Của Ân Điển 7/5/12


Ro 5:20   Luật pháp đã đến làm cho tội lỗi gia tăng; nhưng nơi nào tội lỗi gia tăng, thì ân điển lại càng dư dật hơn. [HĐTT]

Tất cả những gì chúng ta nhận từ nơi Đức Chúa Trời đều đến nhờ ân điển, bởi đức tin nơi Chúa Giê-xu Christ. Ân điển của Đức Chúa Trời tóm gồm mọi thứ giá trị ưu việt của Nước Thiên Đàng được ban tặng cho những kẻ tin cách nhưng không nhờ ơn cứu chuộc trong Cứu Chúa Giê-xu Christ.
Khi một người tiếp nhận Chúa Giê-xu làm cứu Chúa, sức mạnh của ân điển Đức Chúa Trời đã giải phóng người đó từ nước tối tăm qua nước của Con yêu dấu Đức Chúa Trời với mọi phước hạnh trong Đấng Christ. Việc làm của con người và sức mạnh của vũ trụ không thể làm được điều đó, nhưng ân điển của Đức Chúa Trời dư dật để làm điều đó.
Khác hẳn với ân điển, lời Chúa mô tả luật pháp là thánh, là công bình và tốt lành (Roma 8:12), nhưng luật pháp không có năng quyền để giải cứu tội nhân trở thành thánh nhân, người bất chính trở nên công chính, còn ân điển của Đức Chúa Trời thì hay cứu mọi người đã được bày tỏ ra rồi (Tít 2:11).
Rõ ràng, luật pháp đến làm cho tội lỗi gia tăng, nhưng ân điển của Đức Chúa Trời đến thì hay cứu mọi người. Trước khi đức tin chưa đến, chúng ta bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp…(Galati 3:23). Cái nọc của sự chết là tội lỗi, sức mạnh của tội lỗi là luật pháp (I Cô-rinh-tô 15:56). Vì luật pháp sanh ra sự giận…(Roma 4:15),…
Hãy xem lời sứ đồ Phao-lô, người được kêu gọi để giảng về giao ước mới (giao ước ân điển) nói về ân điển của Đức Chúa Trời. Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu…(Ê-phê-sô 2:8). Người không nói nhờ luật pháp, bởi đức tin mà anh em được cứu, vì luật pháp không đồng một thứ với đức tin (Galati 3:12). Là một người Pha-ri-si, người hiểu rõ giá trị và ích lợi luật pháp đem đến với những điều kiện kèm theo trong đó. Hãy xem Phao-lô nói tiếp về ân điển: Nhưng tôi nay là người thể nào, ấy là nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, và ân điển Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ân điển đã ở cùng tôi (I Cô-rinh-tô 15:10).
Phao-lô là người thể nào, chắc bạn hiểu rõ. Kết cục của một người nhận biết ân điển và sống đời sống nhờ cậy ân điển là làm việc hơn nhiều người khác, nhưng không phải bởi sức riêng, bèn là ân điển của Đức Chúa Trời  tác động. Kinh nghiệm được điều đó, Phao-lô đã khuyên người con thuộc linh Ti-mô-thê: Vậy, hỡi con, hãy cậy ân điển trong Đức Chúa Jêsus Christ mà làm cho mình mạnh mẽ (II Ti-mô-thê 2:1). Rõ ràng, Phao-lô đã nếm trãi và kinh nghiệm được sức mạnh của quyền năng ân điển trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Nếu nhờ cậy ân điển dẫn đến một đời sống tệ hại hơn thì Phao-lô phải là người tệ nhất, nhưng ân điển của Đức Chúa Trời đã biến đổi người hoàn toàn và nâng người lên trở thành một sứ đồ vĩ đại sau thập tự giá.
Hỡi bạn, ân điển của Đức Chúa Trời là sức mạnh duy nhất để giúp bạn sống đắc thắng tội lỗi và thành công trong cuộc sống. Nơi nào tội lỗi gia tăng, thì ân điển lại càng dư dật hơn. Sức mạnh của tội lỗi là luật pháp (I Cô-rinh-tô 15:56), nhưng sức mạnh của ân điển thì chiến thắng tội lỗi.

susongthiengdang.info

Bài viết liên quan "Sức Mạnh Của Ân Điển"


Không có nhận xét nào :

Đăng một nhận xét:

* Lưu ý :
- Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu khi viết bình luận.
- Nội dung phải liên quan đến chủ đề bài viết.
- Không dùng lời lẽ khích bác, thô tục ảnh hưởng đến người khác.
- Không đặt link đến Blog/Web khác.
- Những góp ý, thắc mắc không liên quan các bạn vui lòng post tại phòng hỏi đáp.

Thân ái! David Nguyen

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *